Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Luật sư Vũ Thị Hiên tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Thời hạn bị tạm giữ là bao lâu?"

Luật sư Vũ Thị Hiên tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Thời hạn bị tạm giữ là bao lâu?"
(Dân Trí) - Mẹ tôi bị nghi ngờ mua bức tượng đồng của kẻ trộm. Nửa đêm, Công an lục soát nhà tôi, đưa cả nhà về trụ sở Công an huyện. Sau khi lấy lời khai, hai anh em tôi được về, còn mẹ tôi bị tạm giữ. Thời hạn bị tạm giữ là bao lâu? Hai anh em tôi cứ ngỡ sự việc đơn giản, rằng họ chỉ tạm giữ mẹ hôm đó để điều tra hôm sau sẽ được thả về. Nhưng, chúng tôi đợi 4 hôm không thấy tin tức gì. Tôi đã nhiều lần đến hỏi thăm nhưng cũng chỉ đứng ở cổng. Tôi không rõ thủ tục bắt giữ người để điều tra như thế nào. Nhưng với hành vi lục soát nhà, đánh trẻ chưa đủ 18 tuổi và tạm giữ mẹ tôi 10 ngày của công an huyện A như vậy là có đúng pháp luật không? (Hoàng Đinh Dương; Email: troyktd@gmail.com).
Theo bạn trình bày thì mẹ bạn bị công an bắt vào thời điểm là 23h và không có lệnh bắt.  Tại Khoản 3 Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) quy định: “Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã quy định tại Điều 81 và 82 của Bộ luật này”
Tại Khoản 1 Điều 81 BLTTHS quy định: “1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:  Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Khi có người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;  Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ”.
Tại Khoản 1 Điều 82 BLTTHS quy đinh: “Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đã bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền”
Theo bạn trình bày thì tại thời điểm bắt mẹ bạn, tại nhà trọ nơi mẹ bạn và bạn ở không có tang vật vụ án – bức tượng đồng. Việc bắt mẹ bạn chỉ căn cứ vào lời khai của một đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi. Vì bạn không cung cấp cụ thể tình tiết vụ án nên chúng tôi không thể kết luận được việc bắt giữ mẹ bạn là đúng hay sai. Tuy nhiên, nếu tại thời điểm khám xét nhà không có bức tượng, mẹ bạn cũng không hề mua bức tượng đó thì việc bắt người trong trường hợp này là không có căn cứ. Và trình tự thủ tục cũng trái quy định. Giả định, nếu những gì chúng tôi trình bày nêu trên là đúng sự thật thì mẹ bạn không thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 81, 82 BLTTHS thì không thể bắt mẹ bạn vào ban đêm được. Tại khoản 1 Điều 83 BLTTHS quy định: “Sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt”.
Rõ ràng, trong trường hợp này không có lệnh bắt và cũng không có quyết định tạm giữ. Việc Cơ quan công an tiến hành bắt giữ mẹ bạn không theo đúng trình tự thủ tục. Mặt khác, tại Điều 87 BLTTHS quy định: “1. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt;  2. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn”. Theo quy định này thì thời gian tạm giữ nhiều nhất cũng chỉ là 9 ngày. Việc bắt giữ mẹ bạn 10 ngày là trái quy định.
Theo bạn trình bày, thì khoảng 23h đêm công an có tới lục soát nhà và bắt mẹ bạn, thủ tục khám xét nhà cũng không có lệnh và lập biên bản. Theo quy định tại Điều 143 BLTTHS quy định: “….2. Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến. 3. Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.4. Khi khám chỗ làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến.5. Khi tiến hành khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong”.  Như vậy, việc khám xét nhà trọ là không đúng quy định.
Vì bạn không cung cấp cụ thể đứa trẻ kia chính xác bao nhiêu tuổi, nhưng theo cách bạn trình bày thì đứa trẻ này trên 16 tuổi, do vậy việc lấy lời khai của đứa trẻ này không cần người đại diện tham gia (khoản 5 Điều 135 BLTTHS). Việc mẹ bạn được thả về cũng phải có lệnh và biên bản cụ thể, do vậy thủ tục thả tự do cho mẹ bạn cũng không đúng trình tự.
Trên cơ sở phân tích nêu trên, đối chiếu vào trường hợp cụ thể của mẹ bạn - bạn có thể biết việc bắt tạm giữ mẹ là đúng hay sai quy định của pháp luật. Bạn có thể tham khảo các quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trường hợp, nếu việc bắt giữ người trái quy định bạn có quyền khiếu nại và yêu cầu bồi thường oan sai.
Luật sư Vũ Thị Hiên
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Luật sư Trần Thị Thúy Hằng tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Tôi phải làm thủ tục gì để sang tên chính chủ ngôi nhà? "

Luật sư Trần Thị Thúy Hằng tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Tôi phải làm thủ tục gì để sang tên chính chủ ngôi nhà? "
(Dân Trí) - Bố mẹ tôi chia tay nhau, năm 1995 bố tôi lập gia đình. Năm 2008, tôi mua lại mảnh đất của bố tôi. Đến khi làm thủ tục sang tên sổ đỏ, vợ hai của bố tôi không ký giấy tờ. Tôi phải làm thủ tục gì để sang tên chính chủ ngôi nhà? (Gia Minh, Email: giaminh123@gmail.com).
Theo dữ kiện từ câu hỏi của bạn chúng tôi hiểu mảnh đất mà bạn đang muốn mua lại là mảnh đất của bố bạn được Tòa án chia cho năm 1994 khi ly hôn với mẹ bạn. Năm 1995 bố bạn kết hôn với người khác, theo quy định tại  khoản 1điều 27 Luật Hôn nhân gia đình thì tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng, cụ thể: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận”.
Như vậy mảnh đất này hình thành trong thời kỳ hôn nhân với mẹ bạn, sau khi ly hôn đã được chia cho bố bạn và sau đó bố bạn mới kết hôn với người khác, do đó đây được xác định là tài sản riêng của bố bạn (Tài sản hình thành trước thời kỳ hôn nhân với người vợ thứ hai).
Tuy nhiên bạn không nói rõ năm 2008 khi tách sổ đỏ (theo dữ kiện bạn nêu chúng tôi hiểu là cấp Giấy chứng nhận (sổ đỏ) riêng cho phần đất của mỗi người được chia theo bản án) thì bố bạn làm thủ tục xin cấp sổ như thế nào? Trên Giấy chứng nhận ghi tên một mình bố bạn hay cả bố bạn và người vợ sau.
- Trường hợp nếu Sổ đỏ đứng tên cả hai người thì căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 27 nêu trên thì có nghĩa là bố bạn đã nhập khối tài sản riêng thành tài sản chung của bố bạn và người vợ thứ hai. Như vậy mảnh đất trở thành tài sản chung vợ chồng do đó khi định đoạt (mua bán, chuyển nhượng, tặng cho…) phải được sự đồng ý của cả bố bạn và người vợ sau.
- Trường hợp bố bạn xin cấp Sổ đỏ cho riêng 1 mình căn cứ theo quyết định của Bản án năm 1994 và Cơ quan có thẩm quyền đã cấp sổ đứng tên 1 mình bố bạn: Mặc dù năm 2008 (trong thời kỳ hôn nhân với người vợ sau) bố bạn mới được cấp sổ đỏ nhưng mảnh đất này đã có trước thời kỳ hôn nhân (với người vợ sau) mà bố bạn không có thỏa thuận nhập vào tài sản chung vợ chồng, không có văn bản thỏa thuận cho người vợ sau là đồng sở hữu thì vẫn được xác định là tài sản riêng. Do vậy bố bạn có quyền tự định đoạt mà không cần phải có sự đồng ý của người vợ.
Tuy nhiên khi đi làm thủ tục chuyển nhượng, mua bán… vì trên sổ đỏ ghi nhận năm cấp là 2008 (là trong thời kỳ hôn nhân) và không ghi thời điểm hình thành tài sản cũng như nguồn gốc nên bên thứ ba  (như cơ quan công chứng…) không thể biết và thông thường các cơ quan sẽ căn cứ vào ngày cấp Giấy chứng nhận để xác định tài sản có phải của vợ chồng hay không. Do đó các Cơ quan công chứng không thể làm thủ tục cho bố bạn tự định đoạt một mình được.
Vì vậy để bố bạn có thể làm thủ tục chuyển nhượng mảnh đất mà không cần có ý kiến của người vợ sau (trường hợp không nhập thành tài sản chung vợ chồng), bố bạn có thể xuất trình kèm theo Bản án, Quyết định ly hôn có sự phân chia mảnh đất trên cho bố bạn năm 1994. Hoặc bạn có thể liên hệ với Cơ quan có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận để xác định về nguồn gốc mảnh đất và thời điểm hình thành tài sản này của bố bạn để chứng minh đây là tài sản riêng, hình thành trước thời kỳ hôn nhân và không nhập thành tài sản chung vợ chồng.
Luật sư Trần Thị Thúy Hằng
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Luật sư Vũ Hải Lý tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia thừa kế "
(Dân trí) - Năm 2007, bố tôi mất không để lại di chúc, bố mẹ tôi có hai người con, chúng tôi đều đã lập gia đình và sống cùng với mẹ. Do mâu thuẫn, mẹ tôi đuổi vợ chồng tôi ra khỏi nhà. Nếu muốn ở lại căn nhà trên, tôi phải làm gì? Xin cảm ơn! (Lương Mạnh Giang, Email: giadinham2009@gmail.com).
Vì thông tin của ông chưa đầy đủ nên chúng tôi không biết trước khi chết bố ông có để lại di chúc hay không? Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ai? Trong trường hợp bố ông có di chúc thì tài sản của bố ông sẽ được định đoạt theo di chúc. Trong trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình thì diện tích đó là tài sản chung của hộ gia đình, mỗi thành viên đều có quyền ngang nhau khi sở hữu, định đoạt đối với khối tài sản.
Nếu năm 2007, bố ông mất không để lại di chúc, tài sản này là tài sản chung vợ chồng thì phần tài sản của bố ông trong khối tài sản chung sẽ được chia theo quy định của pháp luật.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật được quy định tại điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005, cụ thể như sau: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".
Như vậy, thời hiệu yêu cầu chia thừa kế của bố ông vẫn còn và mẹ ông có quyền khởi kiện để yêu cầu chia thừa kế.
Theo điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
Trong trường hợp nhà đất này là tài sản chung của bố mẹ ông thì việc tòa án xác định ½ giá trị nhà đất là của bố ông, ½ giá trị nhà đất là của mẹ ông, phần di sản của bố ông được chia đều làm 3 phần bằng nhau gồm mẹ và hai anh em trai của ông (với điều kiện ông bà nội của ông đã mất trước khi bố ông mất, bố ông không có cha mẹ nuôi, con nuôi, con riêng nào khác) là đúng. Nguyên tắc chia thừa kế là chia bằng hiện vật nhưng vì diện tích ngôi nhà quá nhỏ (16,7m2) nên nếu chia bằng hiện vật sẽ giảm giá trị căn nhà và ảnh hưởng tới những người khác nên việc tòa án giao cho mẹ ông quản lý sử dụng và thanh toán hơn 400 triệu đồng cho ông, để ông có quyền lưu cư 6 tháng là có căn cứ.
Luật sư Vũ Hải Lý
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Luật sư Vũ Hải Lý tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Chia tay khi người yêu mang bầu có phạm luật không?"

(Dân trí) - Tôi năm nay 20 tuổi, người yêu tôi 18 tuổi. Chúng tôi mới yêu nhau nhưng đã có quan hệ tình cảm “sâu sắc”. Hiện cô ấy đang có bầu, nếu tôi muốn chia tay vào lúc này có phạm tội không? (Khuất Quang Dương, Email: quangduong11111991@yahoo.com).
Vì quan hệ tình cảm của các bạn là tự nguyện, bạn gái của bạn cũng đã đủ 16 tuổi nên bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Hiện nay, nếu bạn gái bạn vẫn giữ thai và sinh đứa trẻ thì sau này khi đã làm thủ tục khai sinh cho trẻ, bạn gái bạn có quyền khởi kiện đến Tòa án Nhân dân nơi đứa trẻ cư trú để yêu cầu Tòa án xác nhận bạn là cha đứa trẻ. Theo khoản 4 điều 27 Bộ luật tố tụng Dân sự 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
Căn cứ quyết định của bản án có hiệu lực của Tòa án, bạn phải có trách nhiệm cấp dưỡng đối với người con. Việc đăng ký kết hôn là tự nguyện, không có cá nhân, tổ chức nào có thể ép buộc bạn phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn với bạn gái bạn nhưng bạn phải có trách nhiệm đối với người con. Nếu hai bạn đều công nhận là con của mình, không có tranh chấp, không muốn tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn thì hai bạn có thể ra Ủy ban Nhân dân xã, phường nơi bạn gái bạn cư trú để làm thủ tục công nhận cha cho con. Căn cứ quyết định công nhận cha cho con Ủy ban Nhân dân sẽ ghi tên bạn trong Giấy khai sinh của người con.
Luật sư Vũ Hải Lý
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Luật sư Vũ Hải Lý tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Quy định “Lời chứng của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân”?"

(Dân trí) – Xin cho biết, lời chứng của Chủ tịch UBND xã được quy định tại văn bản nào? Trân trọng cảm ơn! (Lê Đình Hinh, Email: hinhtpubndtlgmail@.com).
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký quy định về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký như sau:
“Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:
a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt;
b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.
Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chứng thực các việc theo quy định tại khoản 2 Điều này và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã”.
Đồng thời Khoản 8 Thông tư 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký quy định về việc từng bước chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng như sau:
“Luật công chứng và Nghị định số 79 đã phân biệt rõ hai loại hoạt động công chứng và chứng thực, theo đó công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; còn Phòng Tư pháp cấp huyện, Uỷ ban nhân cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản sao giấy tờ từ bản chính, chứng thực chữ ký”.

Theo đó để tạo điều kiện cho Phòng Tư pháp cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã tập trung thực hiện tốt công tác chứng thực bản sao, chữ ký theo quy định của Nghị định số 79, đồng thời từng bước chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện theo đúng tinh thần của Luật công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cần thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương; căn cứ vào tình hình phát triển của tổ chức hành nghề công chứng để quyết định giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện; trong trường hợp trên địa bàn huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng thì người tham gia hợp đồng, giao dịch được lựa chọn công chứng của tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn khác hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật.

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo Quyết định số 5434/QĐ-UBND ngày21/10/2009 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Công văn số 3504/STP-BTTP ngày 28/9/2011 của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, các Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn thành phố Hà Nội chấm dứt việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đồng thời hướng dẫn người dân đến các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố để thực hiện công chứng theo quy định.

Luật sư Vũ Hải Lý
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Luật sư Vũ Hải Lý tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Chia thừa kế khi mẹ không để lại di chúc?"

(Dân trí) - Mẹ tôi mất năm 2002, tài sản để lại gồm: đất ở, đất vườn, đất rau màu và đất trồng lúa. Trong đó, phần đất trồng lúa em út của tôi đang sử dụng. Vậy có thể dùng tất cả tài sản trên để chia thừa kế cho 4 người con của mẹ tôi không? Chân thành cảm ơn! (Nguyễn Thanh Long, Email: nthanhlong17@yahoo.com.vn).
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật được quy định tại ,điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 như sau: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".
Vì mẹ bạn mất năm 2002, bạn không cung cấp ngày tháng mẹ bạn mất nên chúng tôi không tính được cụ thể ngày tháng nào của năm 2012 là hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế.
Theo điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
Như vậy, nếu còn thời hiệu yêu cầu chia thừa kế bạn có thể khởi kiện đến Tòa án nơi có bất động sản để được giải quyết đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn. Tài sản thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn về nguyên tắc sẽ được chia đều cho 4 người con, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con nuôi, con riêng (nếu có). Những người đang quản lý sử dụng phải bàn giao lại diện tích đang chiếm hữu cho người được tòa án giao.
Trong trường hợp 4 người con không có tranh chấp, bạn có thể liên hệ với Văn phòng, phòng công chứng nơi có bất động sản để làm thủ tục khai nhận và phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Luật sư Vũ Hải Lý
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Luật sư Ngô Thị Lựu tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Mức xử phạt đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH?"

Luật sư Ngô Thị Lựu tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Mức xử phạt đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH?"
(Dân Trí) - Tôi đang làm việc trong một công ty tư nhân, để tiết kiệm tiền công ty không đóng BHXH cho chúng tôi đúng theo mức lương thực lãnh mà đóng theo mức lương cơ bản của nhà nước, như vậy có vi phạm không, mức xử phạt thế nào?  
Tại khoản 2 Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: “Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động”. Do đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ căn cứ vào mức tiền công, tiền lương trong Hợp đồng lao động để tính mức đóng hàng tháng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tại đơn vị đó.
Tại Điều 27 Bộ Luật Lao động quy định: “Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.
Trong trường hợp nếu các bạn chứng minh người sử dụng lao động có hành vi lừa dối, ép buộc người lao động trong việc ký hợp đồng lao động, các bạn có quyền tố cáo ra cơ quan Công an về hành vi đó.
Luật sư Ngô Thị Lựu
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế

Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
(Dân trí) - Ông bà tôi sinh được 5 người con: Chị cả đầu, đến bố tôi và sau đó là 2 em trai và một em gái của bố tôi, tất cả mọi người đã có gia đình.
Một người em trai út của bố tôi lập gia đình thì ông bà mua đất làm nhà riêng nhưng nay đã bán đi và vào Nam lập nghiệp. Còn người em trai còn lại của bố tôi thì khi lập gia đình thì có nhà vợ cho đất làm nhà, còn mảnh đất ông bà tôi ở thì bố tôi có chăm sóc ông bà và làm nhà cho ông bà ở. Nay, ông bà tôi đã mất nhưng không để lại Di chúc là cho ai. Sổ đỏ mang tên ông bà tôi chú tôi cầm và đòi chia mảnh đất đó làm 3: Ông bà 1 phần, bố tôi một phần, chú tôi một phần.
Hiện ngôi nhà vẫn để không chưa có ai ở, gia đình tôi đã di cư đi làm ăn xa, khi ông bà mất thì chú tôi có đòi tiền nhưng nhà tôi không đưa thì chú tôi có bảo cầm sổ lương của bố mẹ tôi, lương của 2 sổ lúc đó là khoảng 650.000đ thời điểm năm 1997, đồng thời còn đào đất ngay ở sân để làm gạch, vì lý do là bố mẹ tôi không đưa tiền chia đất.
Nhưng cho tới nay chú tôi lại đòi chia đất thì nhà tôi nên xử lý như thế nào, và có chia thì chia ra sao? Tôi xin chân thành cảm ơn Quý báo! (Lê Xuân Định, Email: hamatsnt55@gmail.com).
Trả lời:
Theo thông tin bạn trình bày ông bà bạn đã mất trước năm 1997, nên cho đến thời điểm hiện tại đã hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật theo quy định tại điều  645 Bộ luật dân sự, cụ thể: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Tuy nhiên nếu “Sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kếkhông có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.
- Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
- Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung. (Theo quy định tại mục 2.4 phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/08/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình).
Như vậy, vì tài sản để lại thuộc quyền sở hữu của ông bà bạn, nếu ông bà bạn không để lại di chúc, 5 người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông bà không có tranh chấp về hàng thừa kế, đều thống nhất di sản của người chết để lại chưa chia được thể hiện bằng văn bản thì căn nhà và đất mà ông bà bạn để lại chuyển thành tài sản chung của 5 người con và được chia theo quy định của pháp luật, mỗi người được hưởng một phần bằng nhau. Vì chú bạn đã lấy sổ lương và đóng gạch ở sân nên bố của bạn có thể yêu cầu tòa án giải quyết trừ đi kỷ phần chú được hưởng hoặc hoàn trả lại khoản tiền đã nhận (có thể yêu cầu tòa án tính lãi suất để hoàn trả gia đình bạn). Nếu một trong các đồng thừa kế (5 người con) có tranh chấp, không thống nhất được về di sản để lại, hàng thừa kế…thì không thể yêu cầu chia tài sản chung được và ai quản lý vẫn tiếp tục được quản lý.
Trong trường hợp tất cả các đồng thừa kế đều thống nhất về cách chia tài sản, không có tranh chấp thì họ có thể liên hệ với tổ chức hành nghề công chứng để tiến hành khai nhận và phân chia di sản thừa kế theo quy định tại điều 49, 50 Luật Công chứng năm 2006.
Luật sư Vũ Hải Lý
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Nguyên tắc phạt tiền khi vi phạm giao thông?

(Dân trí) - Tôi đi từ nhà ra Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội (hướng từ Hỏa Lò rẽ ra, chỉ được rẽ phải), tôi không bật xi nhan. Tôi bị phạt nóng 150.000 đồng rồi tha, tôi xin hỏi CSGT xử phạt thế có đúng không? (Nguyễn Anh Hào, Email: khicon_haohao83vn@yahoo.com).
Trả lời:
Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 9 Nghị định số 34/2010/NĐ–CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ:“ Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây: a) Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ”. Ngoài hình thức phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe không thời hạn nếu gây tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên (điểm d Khoản 9 Điều 9 Nghị định 34).
Liên quan tới việc bạn bị Cảnh sát giao thông xử phạt 150.000 đồng, chúng tôi tư vấn như sau:
Tại khoản 1 điều 5 Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính như sau: “Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống thấp hơn mức trung bình nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên cao hơn mức trung bình nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt”.
Căn cứ vào quy định nêu trên thì với lỗi vi phạm của người điều khiển khi chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước mức phạt thấp nhấp là 200.000 đồng và cao nhất là 400.000 đồng hoặc trường hợp bình thường sẽ là mức trung bình xe máy là 300.000 đồng. Như vậy, việc CSGT xử phạt bạn với mức 150.000 đồng là không đúng quy định của pháp luật
 Luật sư Vũ Thị Hiên
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Tư vấn thành lập doanh nghiệp

Luật Đại Việt  cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm tư vấn thành lập doanh nghiệp, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp, tổ chức lại, mua lại và sáp nhập, giải thể/ phá sản doanh nghiệp… Cụ thể,Luật Đại Việt cung cấp các dịch vụ sau:
    Tư vấn và hỗ trợ thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước hoặc nước ngoài tại Việt Nam; tư vấn loại hình doanh nghiệp, phương thức góp vốn, tên doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, các điều kiện được hưởng ưu đãi cho hoạt động của doanh nghiệp…; tư vấn và soạn thảo điều lệ, hợp đồng liên doanh, quy chế nội bộ trong doanh nghiệp; tiến hành đăng ký hoạt động, xin cấp các loại giấy phép con, làm dấu, xin cấp mã số thuế cho doanh nghiệp.
    Luật Đại Việt sẽ đồng hành cùng ý tưởng kinh doanh của khách hàng cho đến khi doanh nghiệp đi vào hoạt động với những điều kiện ưu đãi nhất trên cơ sở phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam; tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp mở chi nhánh, văn phòng đại diện; xin cấp mã vạch sản phẩm, đăng ký dược phẩm, công bố chất lượng sản phẩm…
    Tư vấn và hỗ trợ thành lập doanh nghiệp có vốn Việt Nam tại nước ngoài cũng như mở chi nhánh,văn phòng đại diện của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài.
    Tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh; đại diện cho doanh nghiệp đàm phán, ký kết các hợp đồng với đối tác;
    Đại diện và bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
    Cung cấp các dịch vụ pháp lý liên quan đến tổ chức lại doanh nghiệp, từ thay đổi cơ cấu vốn góp, thành viên góp vốn, chia, tách cho đến chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
    Cung cấp các dịch vụ pháp lý liên quan đến mua l ại và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp; tìm kiếm đối tác M&A, xác định giá trị doanh nghiệp, xác minh tình trạng pháp lý (due diligence), soạn thảo và ký kết hợp đồng M&A, giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng, trong đó bao gồm các vấn đề tài chính, kế toán, lao động và quản lý doanh nghiệp.
    Cung cấp dịch vụ pháp lý liên quan đến chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp dưới hình thức giải thể hoặc phá sản.
Khi thực hiện dịch vụ của Luật Đại Việt Quý khách hàng sẽ được:
  - Luật Đại Việt sẽ công chứng ủy quyền toàn bộ việc thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp bao gồm: lấy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và con dấu pháp nhân, nhận giấy chứng nhận ĐKDN, sẽ hạn chế việc đi lại của quý khách hàng
- Tư vấn miễn phí qua hotline:0933.668.166
 - Tư vấn tổng đài 04 -1088  phím 4-5
Để được tư vấn cụ thể quý khách liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT-VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG ĐẠI VIỆT
Địa chỉ : Số 335 Phố Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tel: (04)37478888 Fax: (04)37473966
Hot-line: 0933.668.166

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Luật sư Vũ Thị Hiên tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính?"

(Dân Trí) – Tình địch của con trai tôi đến gây sự trong ngày cưới của con tôi, hai bên xảy ra xô xát nhưng không ai bị thương. Công an phường tạm giữ con tôi 4 ngày mới thả về và cũng không thông báo với gia đình tôi. Như vậy có đúng luật không? (Phạm Quốc Cường - Đại Kim, Email: Cuongttc@yahoo.com).
Theo bạn trình bày thì sự việc xẩy ra chỉ dừng lại là cãi cọ và to tiếng, giữa các bên xẩy ra mâu thuẫn không dùng hung khí và cũng không ai bị thương, theo nhận định của chúng tôi thì Cơ quan công an chỉ có thể giữ người theo thủ tục tạm giữ hành chính. Tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 42/2010/TT- BCA hướng dẫn quy định chi tiết thi hành một số điều của Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính (Thông tư số 42) quy định như sau: “1. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, kể từ thời điểm bắt giữ người vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng cũng không được quá 24 giờ theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Quy chế về tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Đối với trường hợp vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn nhưng cũng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Thời hạn tạm giữ phải được ghi cụ thể trong quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính: tạm giữ trong thời gian bao nhiêu giờ; bắt đầu từ giờ nào đến giờ nào của ngày, tháng, năm ra quyết định tạm giữ.
Trong mọi trường hợp, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính đều phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền. Nghiêm cấm việc tùy tiện tạm giữ người mà không có quyết định bằng văn bản”.
Đối chiếu với quy định nêu trên thì thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 24 giờ (không quá 1 ngày). Mặt khác, việc bắt người tạm giữ theo thủ tục hành chính phải có có quyết định bằng văn bản.
Theo bạn trình bày thì việc tạm giữ con bạn của Cơ quan công an phường không đúng trình tự thủ tục, gia đình bạn cũng không nhận được thông báo của Cơ quan công an về việc bắt giữ con bạn. Trong trường hợp này, để có căn cứ khảng định về việc Cơ quan có thẩm quyền tạm giữ con bạn theo thủ tục hành chính đúng hay sai thì bạn cần cung cấp thêm tài liệu và chứng cứ cho chúng tôi.
Để hiểu rõ về quy trình thủ tục tạm giữ người theo thủ tục hành chính, bạn có thể tham khảo Nghị định số 19/2009/NĐ-CP ngày 19/02/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính ban hành kèm theo Nghị định số 162/2004/NĐ-CP ngày 07/ 9/ 2004 của Chính phủ thì tạm giữ người theo thủ tục hành chính là biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm hành chính do người có thẩm quyền quyết định; Thông tư số 42 nêu trên.
Trường hợp nếu có đủ căn cứ chứng minh rằng việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với con bạn là trái quy định của pháp luật bạn có thể làm đơn đề nghị gửi trực tiếp Cơ quan công an phường Đại Kim để họ có biện pháp xử lý đối với cán bộ đã có hành vi tạm giữ con bạn trái pháp luật. Bạn có thể gửi tiếp thông tin vào địa chỉ mail của Công ty để chúng tôi tư vấn cụ thể hơn hoặc có thể gọi điện để được tư vấn trực tiếp!
 Luật sư Vũ Thị Hiên
 Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình – Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166