Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Có được lập hộ di chúc phần di sản cha mẹ để lại?

Có được lập hộ di chúc phần di sản cha mẹ để lại?
(Dân Trí) – Bố mẹ tôi mất cách đây 1 năm, ngôi nhà tôi ở hiện nay do bố mẹ để lại và là nơi thờ cúng tổ tiền (vì tôi là con trưởng). Ông bà nội, ngoại của chúng tôi đều đã mất. Nay tất cả các em tôi muốn làm di chúc cho tôi được không? (Nguyễn Hoàng Tùng; Emai: TungVIB@gmail.com).
Tại điểm a, Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS) quy định: “Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. 
Theo bạn trình bày thì hàng thừa kế của bố mẹ bạn chỉ còn 05 người (đó là bạn và bốn người em của bạn). Tại Điều 642 BLDS quy định: “1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối  nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác; 2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản; 3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế” .

Theo quy định tại Điều 633 BLDS 2005 thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Vì bố mẹ bạn đã mất được 01 năm (một) nên các em bạn vẫn hưởng phần di sản mà bố mẹ bạn để lại theo quy định của pháp luật sau đó định đoạt phần mà họ được hưởng theo nguyện vọng của họ. Tại Điều 646 BLDS quy địnhDi chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Tại Khoản 4 Điều 49 Luật Công chứng (LCC) năm 2006 quy định: “Văn bản thoả thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản”.
Theo quy định nêu trên thì các em bạn nếu muốn để lại di chúc cho bạn thì phải tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Trường hợp đã có văn bản thỏa thuận phân chia thì họ có thể làm di chúc cho bạn phần mà họ được hưởng.

Tuy nhiên, di chúc chỉ có hiệu lực sau khi người lập di chúc chết, do vậy để tránh trường hợp người lập di chúc thay đổi ý chí và mâu thuẫn xẩy ra sau này, tốt nhất bạn cùng bốn em của bạn nên tiến hành đồng thời thủ tục khai nhận di sản thừa kế, phần của người nào thì người đó vẫn nhận sau đó tặng cho lại cho bạn – theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Luật Công chứng: “Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản Trong văn bản thoả thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác”. Việc tiến hành đồng thời nêu trên, sẽ đảm bảo quyền lợi cho bạn và tránh được những vấn đề có thể xẩy ra như chúng tôi đã phân tích nêu trên.

Luật sư Vũ Thị Hiên 
 Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình – Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thanh toán trợ cấp thất nghiệp ở đâu?

(Dân Trí) - Tôi làm việc cho một công ty đã được 4 năm, công ty đó đóng đầy đủ các loại BHYT và BHXH cho tôi. Nếu nghỉ việc ở công ty này, tôi có được lĩnh trợ cấp thất nghiệp không? Nếu có thì lĩnh ở đâu? (Nguyễn Hoàng Thịnh, Email: heyboytn@yahoo.com).
Thứ nhất, Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp:
Tại Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội quy định điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp nêu rõ: “Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;
Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;
Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này”
Thứ hai, hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp:
Tại Điều 125 Luật bảo hiểm xã hội quy định hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp như sau: “Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo mẫu do cơ quan bảo hiểm xã hội quy định.
Bản sao hợp đồng lao động, hợp làm việc hết hạn hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, hợp đồng làm đúng pháp luật”.
Như vậy, đối chiếu với quy định nêu trên nếu bạn đủ điều kiện và hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp bạn liên hệ trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi bạn đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc để thanh toán trợ cấp thất nghiệp.
Luật sư Ngô Thị Lựu
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT
VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG ĐẠI VIỆT
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166
Email: info@luatdaiviet.vn
Website: http://www.luatdaiviet.vn

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Giải thể công ty TNHH một thành viên khi chủ sở hữu chết?

Giải thể công ty TNHH một thành viên khi chủ sở hữu chết?
(Dân trí) - Anh trai tôi thành lập công ty TNHH một thành viên năm 2008, sau đó anh tôi qua đời nên công ty vẫn chưa đi vào hoạt động. Nếu muốn giải thể doanh nghiệp thì ai sẽ là người đứng ra quyết định việc giải thể? (Nguyễn Hoàng Bích Vân, Email: bichvan_ftu@gmail.com).
Ảnh minh họa

Trả lời:
Hiện nay Luật doanh nghiệp năm 2005 chưa có quy định nào về trường hợp chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên chết thì phải giải quyết phần vốn góp như thế nào. Tuy nhiên, căn cứ khoản 1, Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế áp dụng theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Số vốn mà anh trai bạn đã góp vào công ty là tài sản của anh trai bạn. Khi anh trai bạn chết, nó sẽ trở thành di sản thừa kế. Áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 thì có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp thứ nhất: Trước khi chết anh trai bạn có di chúc để lại để định đoạt tài sản. Nếu như vậy, bạn căn cứ vào nội dung của di chúc để tiến hành phân chia di sản thừa kế.
Trường hợp thứ hai: Anh trai bạn chết không để lại di chúc. Nếu như vậy thì di sản thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật.
Khi phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật thì phải xác định người thừa kế theo quy định tại Điều 676 Bộ Luật dân sự. Những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng di sản của anh trai bạn. Khi không có người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì những người thừa kế thuộc hàng thứ hai được hưởng di sản. Nếu không có hàng thừa kế thứ hai thì hàng thừa kế thứ ba được hưởng di sản…. Người cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản như nhau.
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1.                  Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a)                  Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b)                  Hàng thừa kế thứ hai gồm…….
c)                  …….
2.                  Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau
3.                  ……..”
Nếu vốn góp thành lập công ty của anh trai bạn là một khối tài sản chung mà không chứng minh được đó là tài sản riêng của anh trai bạn thì tài sản này là tài sản chung. Sau khi anh trai bạn chết thì tài sản này sẽ được phân chia. Phần tài sản mà anh trai bạn có trong tài sản chung đó sẽ là di sản thừa kế sau khi anh trai bạn chết và được chia theo quy định của pháp luật.
Các đồng thừa kế theo pháp luật phải lưu ý phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế theo quy định tại Điều 683, Bộ Luật dân sự:
Điều 683. Thứ tự ưu tiên thanh toán
Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
4. Tiền công lao động;
5. Tiền bồi thường thiệt hại;
6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;
7. Tiền phạt;
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;
9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;
10. Các chi phí khác.”
Sau khi đã thực hiện việc phân chia di sản thừa kế thì người hưởng thừa kế sẽ tiếp quản doanh nghiệp của anh trai bạn. Sau khi hoàn thành xong thủ tục khai nhận và phân chia di sản thừa kế và làm thủ tục thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp tại phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, thì công ty có thể tiếp tục duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Nếu sau khi phân chia di sản thừa kế, công ty có hai chủ sở hữu thì công ty sẽ phải chuyển đổi hình thức từ công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc chuyển đổi thành hình thức công ty cổ phần (nếu công ty có từ ba chủ sở hữu trở lên). Trong trường hợp muốn giải thể công ty, thì các chủ sở hữu mới sau khi được ghi nhận trong đăng ký kinh doanh có quyền quyết định. Việc giải thể doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 157, 158 Luật Doanh nghiệp 2005 và Điều 40 Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Luật sư Ngô Thế Thêm
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Luật sư Ngô Thị Lựu tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất?"

(Dân Trí) - Gia đình tôi có mảnh đất nông nghiệp, giờ chúng tôi có nhu cầu chuyển mục đích đất để làm nhà ở. Tôi có phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền không? Thủ tục thế nào? Căn cứ nào quyết định cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất? Xin cảm ơn. (Vi Thu Thảo, Email: tthao0907@yahoo.com).
Thứ nhất, về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất:
Tại khoản 1 Điều 36 Luật đất đai quy định những trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
“a) Chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thuỷ sản;
b) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác;
c) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
d) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở”.
Như vậy, trường hợp của gia đình bà nếu muốn chuyển đổi mục đích đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, căn cứ Quyết định cho chuyển đổi mục đích sử dụng:
Tại Điều 27 Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư qui định về Căn cứ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất như sau: “Căn cứ để quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gồm:
1. Quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Trường hợp chưa có quy hoạch sử dụng đất hoặc kế hoạch sử dụng đất được duyệt thì căn cứ vào quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
2. Nhu cầu sử dụng đất được thể hiện trong văn bản sau:
a) Đối với các tổ chức thì nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư;
Đối với các dự án không phải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt hoặc không phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì phải thể hiện nhu cầu sử dụng đất trong đơn xin giao đất, thuê đất và có văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định về nhu cầu sử dụng đất.
b) Đối với hộ gia đình, cá nhân thì nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về nhu cầu sử dụng đất.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải có văn bản của Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định về nhu cầu sử dụng đất;
c) Đối với cộng đồng dân cư thì nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn xin giao đất và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về nhu cầu sử dụng đất;
d) Đối với cơ sở tôn giáo thì nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình tôn giáo”.
Như vậy khi quyết định cho hộ cá nhân gia đình được phép chuyển mục đích sử dụng đất sẽ căn cứ theo qui định nêu trên.
Luật sư Ngô Thị Lựu
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166 Email: info@luatdaiviet.vn

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Luật sư Ngô Thị Lựu tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Điều kiện cấp giấy phép xây dựng?"

(Dân Trí) - Tôi có một mảnh đất từ đời ông cha để lại, hiện nay tôi muốn xây nhà trên mảnh đất đó nhưng gia đình tôi chưa được cấp sổ đỏ mảnh đất này. Theo qui định của pháp luật đất không có sổ đỏ có được phép xây dựng nhà không? (Nguyễn Tất Thành, Email: bebi2020@gmail.com.vn).
Tại khoản 18 Điều 16 quyết định số 04/2010/QĐ-UB quy định về các loại giấy tờ về quyền sở hữu công trình và quyền sử dụng đất đủ điều kiện để xét cấp giấy phép xây dựng quy định trong trường hợp hộ gia đình không có các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng được Ủy ban nhân dân cấp phường, xã xác nhận là đất đó đang sử dụng không có tranh chấp và được Ủy ban nhân dân cấp quận thẩm tra kết quả xác nhận của ủy ban nhân dân cấp phường, xã theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trườn thì cũng được xét cấp giấy phép xây dựng.
Như vậy nếu gia đình ông không có sổ đỏ thì ông vẫn được cấp phép xây dựng theo quy định tại Quyết định số 04 nêu trên.
Luật sư Ngô Thị Lựu
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Luật sư Ngô Thị Lựu tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Sổ đỏ, sổ hồng có phải là một không?"

(Dân trí) - Tôi nghe nói hiện nay có hai loại sổ chứng nhận quyền sử dụng đất là sổ đỏ và sổ hồng để cấp cho người sử dụng. Không hiểu hai sổ nay khác nhau như thế nào? (Trương Thạch Tú, Email: tutu@gmail.com).
Về câu hỏi của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau: Sổ đỏ, sổ hồng không phải là khái niệm được luật quy định mà nó chỉ là tên gọi do người dân tự đặt ra để nói cho ngắn gọn cũng như để phân biệt giữa các loại giấy chứng nhận. Cụ thể:
Sổ đỏ: là tên gọi tắt của “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” tại khoản 20 Điều 4 Luật đất đai 2003 phần giải thích từ ngữ quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”.
Sổ hồng: là tên gọi tắt của “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” tại Điều 11 Luật nhà ở quy định về Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở như sau: Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở  được cấp cho chủ sở hữu theo quy định sau đây:
a) Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
b) Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quy định tại khoản này được gọi chung là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Như vậy sổ đỏ hay sổ hồng đều là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc quyền sở hữu nhà ở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Để thống nhất thành một loại Giấy chứng nhận, ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP và ngày 21/10/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. “Giấy chứng nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất....”.
Vì vậy kể từ ngày 10/12/2009 cho đến hiện nay đối với các trường hợp xin Cấp giấy chứng nhận lần đầu sẽ sử dụng mẫu mới này. Hiện nay đang lưu hành cả 3 loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận  quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cả 3 loại giấy chứng nhận này đều có giá trị pháp lý như nhau.
Luật sư Ngô Thị Lựu
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Luật sư Vũ Hải Lý tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Cha mẹ ly hôn, con có được chia tài sản?"

(Dân trí) - Bố mẹ tôi có 3 người con, chị tôi 20 tuổi, tôi 16 tuổi và em út 7 tuổi. Tài sản của gia đình tôi là 5ha đất, sổ đỏ đứng tên bố mẹ tôi. Nếu bố mẹ tôi ly hôn thì tài sản chia thế nào? Con cái có được chia không? (Nguyễn Hữu Nguyên, Email: xidau141@yahoo.com.vn)
Vì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố mẹ bạn nên tài sản này khi ly hôn theo nguyên tắc sẽ chia đôi có tính đến hoàn cảnh, công sức đóng góp của hai bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản này. Theo khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 quy định việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:
“a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.
Trong trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình mà tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận, bạn và các chị em bạn có tên trong sổ hộ khẩu thì mới có quyền sở hữu ngang với các thành viên  khác trong hộ và khi bố mẹ bạn ly hôn các bạn mới được xem xét giải quyết để chia tài sản.
Vì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố mẹ bạn mà không phải là cấp cho hộ gia đình nên khi bố mẹ bạn ly hôn các bạn không được chia khối tài sản này.
Luật sư Vũ Hải Lý
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Luật sư Vũ Thị Hiên tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Con có được viết di chúc hộ bố mẹ không?"

(Dân Trí) - Bố mẹ tôi muốn viết di chúc chia tài sản cho các con và muốn nhờ tôi trực tiếp viết giúp di chúc này. Tôi muốn hỏi, con cái có được quyền viết hộ di chúc không? (Phan Minh Đức; Email: anhthongthien@gmail.com).
Theo bạn trình bày chúng tôi hiểu – bố mẹ bạn không thể tự mình viết di chúc, có thể do bố mẹ bạn không thể cầm bút viết hoặc đánh máy hoặc không biết chữ, do vậy trường hợp này di chúc chung của bố mẹ bạn phải có người làm chứng hoặc chứng thực.
Tại Khoản 3 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS) quy định: “Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực”.
Vì bạn không cung cấp cụ thể cho chúng tôi biết bố mẹ bạn không tự mình viết được di chúc là vì nguyên nhân gì, do vậy chúng tôi chia ra 02 (hai) trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất: Bố mẹ bạn không biết chữ
Tại Điều 656 BLDS quy định: “Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của  người lập di chúc và ký vào bản di chúc”
Tại Điều 654 BLDS quy định: “Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: “Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự”
Đối chiếu quy định nêu trên thì bạn được viết hộ di chúc cho bố mẹ bạn, tuy nhiên bạn không được làm chứng di chúc đó. Do vậy, để di chúc hợp pháp sau khi viết hộ di chúc thể hiện ý chí của bố mẹ bạn thì bố mẹ bạn phải mời 02 (hai) người làm chứng di chúc đó, tuy nhiên bạn phải hướng dẫn bố mẹ bạn - người làm chứng phải không thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 654 nêu trên. Trường hợp, bố mẹ bạn muốn hiểu rõ hơn về việc lập di chúc hoặc mong muốn soạn di chúc sử dụng ngôn từ đúng pháp luật thì bạn có thể hướng dẫn bố mẹ bạn mang Giấy tờ nhà đất; Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; Chứng minh nhân dân, hộ khẩu; Giấy khai sinh của người mà bố mẹ bạn muốn di chúc để lại di sản đó đến Công ty Luật để nhờ Luật sư soạn di chúc và làm chứng.
Trường hợp thứ hai: Bố mẹ bạn bị hạn chế về thể chất, có thể do tay không thể cầm bút; điếc; mù… thì bố mẹ bạn phải mang những giấy tờ nêu trên tới Phòng công chứng để lập di chúc và Công chứng viên chứng thực di chúc đó cho bố mẹ bạn.
Luật sư Vũ Thị Hiên
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

(Dân trí) – Bà A được thừa hưởng đất nông nghiệp từ mẹ, nay bà A già yếu không làm được nữa nếu muốn chuyển nhượng lại cho người khác có được không? Thủ tục thế nào? (Hà Văn Huy Email: huycoihonda@yahoo.com.vn).
Căn cứ khoản 1 điều 106 Luật đất đai 2003 quy định: “Người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… khi có các điều kiện sau đây:
a) Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất”.
Theo Điều 102 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/01/2006) quy định về trường hợp được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp như sau: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất hoặc do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp đó cho hộ gia đình, cá nhân khác trong cùng xã, phường, thị trấn để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp”.
Đồng thời khoản 3 điều 103 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ cũng quy định: “Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất như sau: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất chuyên trồng lúa nước”.   Như vậy nếu diện tích đất nông nghiệp thỏa mãn các điều kiện nêu trên, người chị họ là người có hộ khẩu thường trú trong cùng xã, phường, thị trấn và là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì con gái bà A có quyền chuyển nhượng diện tích nông nghiệp này cho người chị họ.   Vì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà A nên trước khi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất con gái bà A phải làm thủ tục khai nhận thừa kế tại Văn phòng công chứng hoặc Ủy ban Nhân dân xã, phường nơi có bất động sản. Hồ sơ khai nhận gồm có: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng tử của bà A, Giấy khai sinh, Chứng minh Nhân dân, Sổ hộ khẩu của người con.  
Sau khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên con gái bà A, hai bên có thể đến Phòng, Văn phòng công chứng hoặc Ủy ban Nhân dân xã phường để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hồ sơ làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp gồm có: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Chứng minh Nhân dân và hộ khẩu của các bên, giấy tờ khác (nếu có). Sau khi làm thủ tục công chứng hoặc chứng thực các bên có thể liên hệ với Văn phòng đăng ký Nhà và đất để hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Điều 127 Luật đất đai năm 2003 quy định về trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất (trong đó có đất nông nghiệp như sau:
“1. Việc nộp hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quy định như sau:
a) Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nộp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại nông thôn thì nộp tại Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất để chuyển cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;
b) Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.
2. Trong thời hạn không quá mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp các bên chuyển nhượng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính mà nghĩa vụ tài chính đó được xác định theo số liệu địa chính thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thông báo cho các bên chuyển nhượng thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, các bên tham gia chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi đã nộp hồ sơ”.
Luật sư Vũ Hải Lý
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Luật sư Vũ Hải Lý tư vấn luật trên báo Dân Trí: "Tôi có phải chia tài sản cho con riêng của chồng?"

(Dân trí) – Chồng tôi có một người con riêng, sau khi chồng tôi qua đời người con này đòi chia tài sản chung của hai vợ chông tôi đã xây dựng. Theo pháp luật tôi có phải chia tài sản cho con riêng của chồng không? Xin cảm ơn Quý báo! (MiMi, Email: xutramhuong2000@yahoo.com).
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự quy định người thừa kế theo pháp luật như sau: “Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
Đồng thời khoản 2 Điều 676 Bộ luật Dân sự quy định: “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.
Theo các quy định nêu trên nếu người chồng chết thì người con riêng của người chồng thuộc hàng thừa kế thứ nhất và có quyền hưởng phần di sản bằng với các đồng thừa kế khác đối với khối di sản của người chồng đã chết.
Luật sư Vũ Hải Lý
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166